Một quan chức cao cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, virus H7N9 là một trong các chủng virus cúm có thể gây chết người độc hại nhất. Và hôm qua (24.4), đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm virus H7N9 bên ngoài Trung Quốc đại lục. Người Đài Loan đầu tiên nhiễm virus H7N9 Đài Loan hôm qua vừa xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm virus H7N9. Bệnh nhân là một người đàn ông 53 tuổi - người vừa trở về từ Tô Châu, tỉnh Giang Tô- có đi qua Thượng Hải. Người đàn ông này bị sốt, ho và chảy nước mũi khi vừa về đến sân bay quốc tế Đào Viên của Đài Loan hôm 23.4. Ngay lập tức, ông được chở đến bệnh viện để kiểm tra và được xác nhận nhiễm cúm A/H7N9. Tính đến hôm qua, riêng ở Trung Quốc đại lục, số người mắc cúm A/H7N9 đã lên tới 109 người, trong đó có 23 ca tử vong kể từ ngày 31.3- khi phát hiện ca bệnh đầu tiên. Một người đàn ông Đài Loan vừa trở về từ Trung Quốc đại lục đã bị nhiễm virus H7N9 và phải nhập viện hôm 23.4. Các cơ quan chức năng Trung Quốc cho hay, hơn phân nửa số người nhiễm bệnh là những người có tiếp xúc trực tiếp với gà vịt hoặc chim chóc. Tuy nhiên, số người còn lại bị nhiễm virus này bằng cách nào vẫn là một vấn đề còn chưa rõ ràng. Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành hàng nghìn cuộc xét nghiệm trên chim muông và gia cầm, nhưng chỉ có mấy chục cuộc xét nghiệm có kết quả dương tính và trong hai ca nhiễm cúm gia cầm ở Bắc Kinh cho đến nay, có một bé trai nhiễm virus H7N9, nhưng không có triệu chứng nào của bệnh cúm. H7N9 - "một trong những virus cúm nguy hiểm nhất" Hôm qua, một nhóm chuyên gia của WHO đã tổ chức một cuộc họp báo về virus H7N9. Ông Keiji Fukuda, Phó Giám đốc An ninh Y tế của WHO, cho biết vào thời điểm này vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy virus H7N9 có thể lây lan một cách dễ dàng từ người sang khác. "Khi chúng ta nói tới virus cúm thì đây là loại virus nguy hiểm một cách bất thường cho con người. Dựa trên các bằng chứng đang có, chúng tôi nghĩ rằng virus này dễ lây từ gia cầm sang người hơn virus H5N1", ông Fukuda cho biết. Chủng virus cúm gà H5N1 đã xuất hiện năm 2003. Trong 10 năm qua, virus này lan ra trên 3 châu lục và gây tử vong cho hơn phân nửa con số 622 người bị nhiễm bệnh. WHO và các quan chức y tế Trung Quốc nhấn mạnh rằng nỗ lực tìm hiểu chủng virus mới H7N9 vẫn còn ở trong giai đoạn đầu. Nhân viên y tế lấy mẫu máu của một con gà ở Hồng Kông. Ông Lương Vạn Niên, một viên chức của Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa Gia đình Trung Quốc, cho biết hiệu quả của những biện pháp phòng ngừa của chính phủ vẫn chưa rõ ràng. Ông nói thêm rằng mức độ rủi ro của virus này đối với công chúng cũng vẫn chưa rõ ràng. "Có rất nhiều yếu tố chưa được làm rõ, trong đó có nguồn gốc virus, sự biến đổi gene của virus, các yếu tố bệnh lý học, tính chất độc hại, cơ chế lây lan, các triệu chứng lâm sàng và tình hình dịch tễ học của virus này. Vì vậy, chúng tôi còn phải nghiên cứu thêm rất nhiều", ông Lương nói. Các nhà khoa học của Trung Quốc và WHO đồng ý với nhau rằng các loại chim muông bị nhiễm virus, đặc biệt là gia cầm, có phần chắc là nguồn gây bệnh cho con người. WHO không khuyến khích sản xuất vaccine "Trong 2 tuần qua, một số vaccine đã được nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, ngay bây giờ, chúng tôi đề nghị và không khuyến khích sản xuất vaccine phòng ngừa chủng cúm này", bà Nancy Cox - Giám đốc bộ phận Cúm thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC của Mỹ, là một trong các chuyên gia trong phái đoàn của WHO - nói. Hiện, "chúng tôi còn biết rất ít về khả năng miễn dịch và cơ chế lây lan của chủng virus này. Chúng tôi đang có kế hoạch để phát triển vaccine chống lại nó. Nhưng theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, việc phát triển vaccine là rất khó khăn và cần một thời gian dài để thành công", ông Yang Weizhong - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Trung Quốc - cho hay. Theo Lao động