Người già neo đơn Chùa Lâm Quang

Gần 20 năm qua, ngôi chùa Lâm Quang đã trở thành ngôi nhà chung của những cụ già neo đơn.

Hiểu Về Trái Tim

Ngày tạo: 12/7/15

Cập nhật: 17/2/17

Người già neo đơn

Hội Người cao tuổi P.14 Q.8 TP.HCM

  1. Thông tin chung

    Gần 20 năm qua, ngôi chùa Lâm Quang đã trở thành ngôi nhà chung của những cụ già neo đơn không nơi nương tựa.

    Nằm trong một con hẻm nhỏ ở số 301/117/70H Bến Bình Đông, phường 14, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh, nhà dưỡng lão chùa Lâm Quang vẫn luôn mở rộng tấm lòng để thường xuyên đón nhận chở che những người già neo đơn, cô độc, những số phận cần sự sẻ chia.

    Hiện tại nhà dưỡng lão chùa Lâm Quang đang nuôi dưỡng 135 cụ bà trên 70 tuổi.

    Quá trình hoạt động

    Năm 1995, khi sư cô Thích Nữ Huệ Tuyến, hiện đang là Trụ trì chùa Lâm Quang, nhận tiếp quản ngôi chùa này đã thấy có 4 cụ bà hành khất ban ngày đi kiếm sống, ban đêm về đây xin tá túc. Xúc động trước những cảnh đời bất hạnh, sư cô đã đem các cụ vào chùa chăm sóc. Từ ngày đó, có thêm nhiều cụ xin đến với cửa chùa. Sư cô Huệ Tuyến bày tỏ: Âu đó cũng là cái duyên nên những số phận mới tìm đến nhau, và nhà chùa đã thu nhận tất cả những cụ bà có cảnh đời không còn người thân phụng dưỡng.

    Đó cũng chính là thiện nguyện của Ni sư Thích Nữ Huệ Tuyến. Sư chia sẻ: “Đây là tâm nguyện của tôi từ nhỏ, bởi tôi có cơ duyên ở chùa từ 5 tuổi. Sư phụ của tôi cũng nuôi các sư tu sĩ. Sau khi được chăm sóc nâng đỡ của sư phụ, tôi cảm nhận được rằng con người khi già cả, khi không có chốn an dưỡng sẽ rất khó khăn và tôi đã đưa các cụ về phụng dưỡng như những người thân bằng quyến thuộc của mình”.

    [​IMG]
    Các cụ được chăm sóc tại chùa đa phần đã trên 70 tuổi

    Suốt gần 20 năm qua, chùa Lâm Quang đã nhận chăm sóc gần 200 cụ bà. Mỗi năm cũng có nhiều cụ mất đi, nhưng số lượng các cụ xin vào luôn tăng lên. Để có kinh phí chăm sóc tốt cho các cụ già, những ngày đầu các ni sư của chùa phải làm thêm nhiều việc từ làm nhang, bán xôi, hủ tiếu chay đến nhận nấu thức ăn chay cho các gia đình phật tử khi có ma chay, đám giỗ… Tại đây, hàng ngày đều có 15 sư cô và 14 phật tử, công quả chăm sóc cho các cụ bà với những công việc như: cho ăn uống, thuốc thang, tắm giặt…

    Từ hiệu quả của việc làm nhân ái này của nhà chùa, mà rất nhiều nhà hảo tâm và người dân đã tự nguyện đến phụ giúp nhà chùa. Người góp chút dầu, chút gạo muối, người không có tiền thì góp công, góp sức để giúp nhà chùa chăm sóc cho các cụ. Để lo cho các cụ có cuộc sống ổn định, nhà chùa đã tiết kiệm mọi chi phí, và công việc từ thiện của nhà chùa cũng được bà con Phật tử nhiệt tình hưởng ứng. Từ đó, nhà chùa đã mạnh dạn mở rộng 2 khu nhà dưỡng lão: Khu dành cho những cụ lớn tuổi bệnh nặng và khu dành cho những cụ còn khỏe.

    Khó khăn

    Ngày chúng tôi đến thăm, có 2 cụ đã qua đời, một cụ đã được mai táng hương khói cúng bái và một cụ vẫn đang chờ khâm liệm, tất cả mọi chi phí và công việc mai táng đều do nhà chùa lo toan.

    Tất cả kinh phí lo ăn, ở, khám chữa bệnh đều do chùa Lâm Quang lo cho các cụ, trụ trì Ni sư Thích Nữ Huệ Tuyến và các sư cô đã chăm lo tận tình cho các cụ. Tuy nhiên, nhà chùa vẫn đang thiếu thốn nhiều thứ, đặc biệt là các nhu yếu phẩm như tã, sữa, ghế bố nằm cho các cụ, xà bông tắm giặt vệ sinh hàng ngày, thuốc men...

    [​IMG]
    Khi các cụ qua đời nhà chùa cũng lo ma chay chu đáo

    Quỹ Hiểu về trái tim xây dựng hoạt động hỗ trợ các nhu yếu phẩm (tã, xà phòng tắm, bột giặt,v.v...) cho nhà dưỡng lão tình thương chùa Lâm Quang. Chi phí ước tính cho nhu yếu phẩm này cho mỗi cụ bà là 100.000 đồng, dự kiến tổng chi phí của hoạt động là 13.500.000 đồng cho 135 cụ.


    Hiểu về trái tim và Công ty Haeavan hy vọng những tấm lòng hảo tâm của các mạnh thường quân, cá nhân, tổ chức yêu thương và cùng sẽ chia những gánh nặng cùng với nhà dưỡng lão chùa Lâm Quang tham gia đóng góp vào hoạt động mua những vật dụng sinh hoạt hàng ngày cho các cụ bà đang được nuôi dưỡng tại chùa Lâm Quang, để các cụ bà có thêm sức khỏe, sống tốt và ấm áp hơn.