Cẩm nang chăm sóc sức khỏe ở mọi lứa tuổi

Thảo luận trong 'SỨC KHỎE' bắt đầu bởi hoahuongduong, 13/7/13.

  1. hoahuongduong

    hoahuongduong
    Expand Collapse
    Administrator

    Tham gia:
    20/9/12
    Bài viết:
    2,085
    Thích đã nhận:
    18
    Money:
    0$
    Chị em hãy cùng khám phá các bước cần thiết để giữ gìn sức khỏe ở mọi độ tuổi.

    [​IMG]

    Ở độ tuổi 20

    1. Lên lịch khám sức khỏe hàng năm

    Đây chính là thời gian lý tưởng để tìm ra một vị bác sỹ mà bạn thích và tin tưởng, tạo dựng mối quan hệ, và tiến hành kiểm tra sức khỏe định kỳ (lý tưởng là 1 năm 1 lần), bác sỹ Shantanu Nundy, chuyên khoa nội tại Bệnh viện Đại học Chicao (Mỹ) chia sẻ. Khám sức khỏe hàng năm là cách tốt nhất để biết tình trạng sức khỏe của bản thân và phát hiện những vấn đề đang dần xuất hiện trước khi chúng vượt khỏi tầm kiểm soát. Bác sỹ sẽ kiểm tra chỉ số khối cơ thể (BMI) và huyết áp đồng thời lấy máu để kiểm tra sức khỏe tuyến giáp và nồng độ cholesterol.

    2. Từ bỏ những thói quen không lành mạnh

    Khi còn đang ở tuổi học sinh sinh viên, có thể bạn thích hút thuốc, uống rượu hoặc ăn vặt. Đây chính là thời điểm bạn cần phải loại bỏ những thói quen không lành mạnh đó ra khỏi cuộc sống của mình. “Rất nhiều thói quen được hình thành ở độ tuổi 20 sẽ theo chúng ta đến hết cuộc đời”, bác sỹ Nundy chia sẻ. Nếu bạn đã trót có một vài thói quen xấu thì đây chính là thời điểm lý tưởng để loại bỏ chúng và bắt đầu một chặng đường mới lành mạnh hơn. Học cách ăn uống lành mạnh là điều đặc biệt quan trọng; kể cả khi trông bạn khá thon thả ở tuổi 20 thì điều đó có thể thay đổi trong một hoặc hai thập kỷ tiếp theo; và duy trì cân nặng lành mạnh dễ dàng hơn là tìm cách giảm cân sau này.

    3. Tiêu thụ đủ lượng canxi và vitamin D

    Nhiều phụ nữ không nghĩ gì đến tình trạng loãng xương cho tới khi họ già hơn. Tuy nhiên, đây là một sai lầm lớn. Hãy đặt ra mục tiêu tiêu thụ ít nhất 1.200mg canxi và 1.000 IU vitamin D mỗi ngày vì nó sẽ trợ giúp đắc lực cho hệ xương và nhiều hệ thống khác của cơ thể.

    [​IMG]

    Ở độ tuổi 30

    1. Lưu ý tới vóc dáng

    Cân nặng cơ thể có thể bắt đầu leo thang ở mọi lứa tuổi, nhưng 30 là lứa tuổi mà rất nhiều chị em lần đầu tiên phải lao vào cuộc chiến với trọng lượng. Quá trình trao đổi chất bắt đầu chậm đi ở độ tuổi 35; và nếu bạn đã sinh con thì bạn có thể thấy việc giảm cân sau khi mang thai là điều hết sức khó khăn. Và do đây là giai đoạn chị em còn đang phải vật lộn giữa một bên là công việc, một bên là gia đình nên quỹ thời gian vô cùng eo hẹp. Đó là lý do vì sao bà Dehn khuyến khích chị em nên chèn một chút thời gian cho thể dục thể thao vào lịch hoạt động trong ngày của mình. “Phụ nữ ở độ tuổi 30 có một danh sách dài vô tận những việc phải làm và họ hầu như không có thời gian cho bản thân”, bà Dehn chia sẻ.

    2. Ưu tiên cho giấc ngủ

    Các bà mẹ bận rộn khó có thể đi ngủ sớm; nhưng thực tế thì điều đó thực sự cần thiết cho sức khỏe. Nếu bạn đang mang thai thì bạn cũng có thể gặp một số vấn đề với giấc ngủ: Theo Hiệp hội Y học giấc ngủ Mỹ, những thay đổi về thể chất, tình cảm, và nội tiết diễn ra trong thai kỳ, đặc biệt là trong 3 tháng cuối có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Vì thế, hãy đảm bảo rằng phòng ngủ của bạn thoải mái nhất có thể và cho phép bản thân nghỉ ngơi thư giãn vào buổi tối. Hãy nói chuyện với bác sỹ nếu bạn vẫn gặp vấn đề về giấc ngủ.

    3. Chú ý đến những vấn đề liên quan đến kinh nguyệt

    Dù bạn có con hay không thì vẫn cần đi khám nếu chu kỳ của bạn đột nhiên khó chịu hơn hoặc đau đớn hơn. Đây có thể là dấu hiệu của hội chứng buồng trứng đa nang, bệnh liên quan đến tuyến giáp hoặc u xơ tử cung.

    4. Kiểm tra huyết áp

    Nếu bạn vẫn khám sức khỏe định kỳ hàng năm thì bác sỹ sẽ kiểm tra huyết áp trong những lần khám đó. Còn nếu không, hãy chắc chắn rằng ít nhất mỗi năm bạn kiểm tra huyết áp một lần. Rất nhiều phụ nữ bắt đầu gặp phải triệu chứng cao huyết áp ở tuổi 30 - thường là gắn liền với tăng cân - nhưng họ lại không nhận ra điều đó, bác sỹ Nundy chia sẻ.

    [​IMG]

    Ở độ tuổi 40

    1. Cân nhắc việc chụp nhũ ảnh

    Mặc dù còn nhiều tranh cãi song phần lớn các chuyên gia đều khuyến khích chị em phụ nữ nên bắt đầu chụp nhũ ảnh ở tuổi 40 thay vì đợi đến tận 50. Các bác sỹ có thể giúp đánh giá tiền sử bệnh của gia đình và đặc điểm cá nhân của từng người để tìm ra thời điểm nên bắt đầu tiến hành kiểm tra và tần suất kiểm tra (mỗi năm một lần hay hai năm một lần).

    2. Tìm hiểu về bệnh tiểu đường

    Nếu bạn chưa từng làm bất kỳ xét nghiệm nào liên quan đến bệnh tiểu đường thì đây chính là thời điểm cần thiết. Nguyên nhân là do bệnh tiểu đường týp 2 ngày càng trở nên phổ biến sau tuổi 40. Theo Hiệp hội tiểu đường Mỹ thì chị em nên tiến hành các xét nghiệm liên quan đến bệnh tiểu đường khi bắt đầu bước vào tuổi 45 với tần suất là 3 năm 1 lần.

    3. Đánh giá lại lượng calo tiêu thụ

    Theo bà Dehn thì quá trình trao đổi chất thực sự suy giảm sau tuổi 40; và điều này có nghĩa là bạn có thể tăng cân dù bạn không hề ăn nhiều hơn so với trước kia. Để duy trì trọng lượng ổn định hoặc giảm bớt nếu cần thì chị em cần phải điều chỉnh chế độ ăn một chút. Cố gắng ăn nhiều bữa nhỏ với khẩu phần ăn mỗi bữa ít hơn và ăn nhiều thực phẩm khác nhau.

    4. Năng vận động

    “Các nghiên cứu đã cho thấy chỉ cần 20 đến 30 phút thể dục thể thao mỗi ngày sẽ giúp chúng ta duy trì trọng lượng cơ thể của mình”, bà Dehn chia sẻ. “Ở độ tuổi này, nếu bạn muốn giảm cân, bạn cần phải tập thể dục đủ 1 giờ”. Ngoài ra, đừng quên các bài tập thể lực (như nâng tạ nhẹ) để giúp duy trì khối lượng cơ bắp và mật độ xương khi chúng ta ngày càng có tuổi.

    [​IMG]

    Ở tuổi 50

    1. Thận trọng với sức khỏe tim mạch

    Sau tuổi 50, nguy cơ mắc bệnh tim mạch của phụ nữ gia tăng mạnh. Điều đó có nghĩa là việc biết những thông số về sức khỏe tim mạch và trao đổi với bác sỹ về những thông số đó là điều vô cùng quan trọng. “Bệnh tim có thể xuất hiện rất đột ngột; nhưng thường là nó có yếu tố nguy cơ. 95% người bị đau tim có một hoặc vài yếu tố nguy cơ báo trước”, bác sỹ Nundy chia sẻ. Những yếu tố đó bao gồm hút thuốc, huyết áp cao, cholesterol cao, béo phì, và tiểu đường. Nếu bạn có bất kỳ yếu tố nào trong những yếu tố trên hoặc có tiền sử gia đình bị bệnh tim thì ngoài các xét nghiệm và kiểm tra tiêu chuẩn hãy đề nghị bác sỹ làm thêm điện tâm đồ.

    2. Kiểm tra nguy cơ ung thư đại tràng

    Rất may là bệnh ung thư đại tràng có thể phòng ngừa được nếu bạn phát hiện ra các polyp khi chúng vẫn ở giai đoạn tiền ung thư. Và mặc dù vẫn có các cách khác nhưng cách tốt nhất là tiến hành soi đại tràng. Nếu kết quả nội soi của bạn bình thường và gia đình bạn không có tiền sử mắc bệnh này thì có thể làm 10 năm 1 lần.

    3. Thảo luận về các triệu chứng mãn kinh với bác sỹ

    Liệu pháp hoóc môn (HT) hiện nay không được chỉ định rộng rãi như trước kia do những lo ngại về nguy cơ gây ra ung thư vú và những tác dụng phụ khác. Tuy nhiên, nhiều bác sỹ vẫn khuyến nghị bệnh nhân sử dụng phương pháp đó trong thời gian ngắn nếu các triệu chứng mãn kinh như “bốc hỏa” hay thay đổi tâm trạng phát triển theo chiều hướng trầm trọng hơn.

    4. Tiêm phòng cúm hàng năm

    Tiêm phòng cúm có thể giúp bảo vệ bạn khỏi căn bệnh này ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng nó đặc biệt quan trọng khi bạn ngoài 50. Khi chúng ta già hơn, nguy cơ bị các biến chứng nguy hiểm, thậm chí là đe dọa đến tính mạng, từ cúm tăng cao; và tiêm phòng chính là biện pháp tốt nhất để bảo vệ bạn, bác sỹ Nundy cho biết.

    [​IMG]

    Ở độ tuổi 60

    1. Kiểm tra mật độ xương

    Bác sỹ có thể khuyến khích bạn làm xét nghiệm này ở độ tuổi 50, hay thậm chí là 40 và điều đó thực sự rất có ích. Có rất nhiều nguyên nhân khiến chúng ta có nguy cơ bị loãng xương, từ dùng một số loại thuốc, hút thuốc lá, đến tiền sử gia đình. Tuy nhiên, theo Quỹ về loãng xương, ở tuổi 65, tất cả phụ nữ - kể cả những người không có các yếu tố nguy cơ – vẫn cần phải đo mật độ xương. Ngoài ra, bạn vẫn cần bảo vệ hệ xương của mình bằng cách tiếp tục bổ sung canxi cho cơ thể. Hãy hỏi ý kiến bác sỹ xem liệu bạn đã hấp thụ đủ lượng canxi cần thiết từ chế độ ăn hàng ngày của mình hay chưa hay bạn nên sử dụng thêm các chế phẩm bổ sung.

    2. Tăng cường hấp thụ vitamin B12

    Theo số liệu từ các khảo sát về sức khỏe và dinh dưỡng, rất nhiều người trên 60 tuổi thiếu B12. Bạn cần dưỡng chất này – có nhiều trong hải sản, thịt bò, và ngũ cốc tăng cường – để sản sinh ra hồng cầu khỏe mạnh và giúp bảo vệ hệ thần kinh. Nghiên cứu đã cho thấy vitamin B12 còn có thể giúp ngăn ngừa tình trạng mất trí nhớ.

    3. Giảm nguy cơ viêm phổi

    Viêm phổi là một căn bệnh nguy hiểm. Theo CDC Hoa Kỳ thì đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin tại Mỹ. Chính vì thế, nếu bạn chưa từng tiêm phòng bệnh này trước tuổi 65 thì hãy tiến hành ngay.

    Theo Dân trí
     
    #1 hoahuongduong, 13/7/13
    Chỉnh sửa lần cuối: 11/9/15

Chia sẻ trang này