Chơi với... đồ chơi nhiễm chất độc

Thảo luận trong 'CHUYỆN XÃ HỘI' bắt đầu bởi hoahuongduong, 29/5/13.

  1. hoahuongduong

    hoahuongduong
    Expand Collapse
    Administrator

    Tham gia:
    20/9/12
    Bài viết:
    2,085
    Thích đã nhận:
    18
    Money:
    0$
    Vào dịp đầu hè cũng là thời điểm giáp Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1.6) nên các bậc cha mẹ nào cũng đều muốn có phần quà đồ chơi dành cho con nhỏ. Tuy nhiên, trên thị trường hiện đang tràn lan các loại đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đạt tiêu chuẩn an toàn, thậm chí quá nguy hiểm…

    Nếu các bậc phụ huynh ham hàng rẻ, mua liều, có thể vô tình làm hại con em mình.

    Cảnh báo chất độc từ đồ chơi không rõ nguồn gốc

    Dạo qua các cửa hàng, siêu thị bán đồ chơi trẻ em tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM cho thấy, khoảng 90% số lượng sản phẩm được bày bán có xuất xứ từ nước ngoài, trong đó hàng hóa từ Trung Quốc chiếm đa số... Với màu sắc sặc sỡ, bán rẻ chỉ từ 50.000 - 250.000 đồng/sản phẩm, nhiều sản phẩm đồ chơi bày bán lại không hề ghi đơn vị sản xuất, nhãn hiệu, tem hợp quy - CR (VN đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em từ năm 2009). Dù có thông tin về đồ chơi Trung Quốc có chứa chất độc hại, nhưng với tâm lý ham của rẻ, cho trẻ chơi vài ngày rồi bỏ nên nhiều bậc phụ huynh vẫn chọn hàng Trung Quốc mua cho con.

    Theo ông Nguyễn Hoàng Linh - Vụ phó Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy - Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng - với giá thành quá rẻ như các thể loại đồ chơi Trung Quốc đang tung hoành trên thị trường Việt Nam thì khó có chuyện sử dụng hóa chất đạt quy chuẩn, nhựa cao cấp để sản xuất. Ông Nguyễn Hoàng Linh cũng cảnh báo, đồ chơi càng nhiều màu sắc sặc sỡ thì càng có nhiều nguy cơ chứa hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép. Thực tế cho thấy, hiện tượng trẻ bị nhiễm độc chì âm thầm diễn ra rất phổ biến. Bởi vì khi chơi, trẻ em thường cho các loại đồ chơi vào miệng ngậm hoặc tiếp xúc qua da, từ đó chì được chuyển hóa vào cơ thể và sẽ thay thế dần canxi trong xương khiến cơ thể mềm nhũn, da lở loét...

    Những loại đồ chơi bằng nhựa dành cho trẻ nhỏ trong thành phần thường không thể thiếu phthalates - nhóm chất được dùng làm phụ gia tăng độ dẻo cho nhựa. Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội - nếu chất phthalates theo đường tiêu hóa vào cơ thể sẽ làm rối loạn hoạt động của các tuyến nội tiết như: Bé gái bị dậy thì sớm, còn nam thì cơ quan sinh dục bị teo lại... Đặc biệt, nếu trẻ ngậm đồ nhựa trong miệng, phthalatses nhanh chóng hòa tan trong nước bọt và chất này sẽ trực tiếp đi vào cơ thể.

    Ngoài ra, theo một số kết quả giám định gần đây của Viện Khoa học vật liệu ứng dụng và Viện Công nghệ hóa học kiểm tra, hầu hết đồ chơi bằng nhựa của Trung Quốc như: Súng gươm, lựu đạn, kể cả lồng đèn... đều sản xuất bằng các loại nhựa tái chế, trong đó có chứa chất cadimi (Cd) cao gấp nhiều lần mức cho phép. Đây là một trong ba kim loại độc hại đối với cơ thể con người, có thể gây ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, dị tật thai nhi... Với trẻ thường vừa chơi vừa ngậm nên mức độ nguy hiểm càng cao hơn.

    Xử không xuể

    Đồ chơi trôi nổi, nhập lậu từ Trung Quốc không bảo đảm chất lượng an toàn, nguy cơ nhiễm độc tố cao xuất hiện tràn lan trên thị trường; trong khi đó, dù các cơ quan chức năng có kiểm tra, xử phạt nhưng vẫn như “muối bỏ bể”.

    Theo Chi cục QLTT TPHCM, từ đầu năm đến nay cơ quan này đã phát hiện 8.385 sản phẩm đồ chơi trẻ em vi phạm, trong đó có hơn 800 sản phẩm là hàng cấm gồm súng, kiếm bằng nhựa và gần 6.000 sản phẩm là hàng nhập lậu từ Trung Quốc. Còn theo ghi nhận của Chi cục QLTT tỉnh Quảng Ninh, trong 5 tháng qua, lực lượng QLTT tỉnh đã tịch thu gần 5.000 sản phẩm đồ chơi các loại...

    Mới đây, vào ngày 15.5, tại TP.Móng Cái, Đội kiểm soát hải quan số I - Cục Hải quan QN đã tiến hành tiêu huỷ hàng chục nghìn súng nhựa, kiếm và đồ chơi bạo lực khác có nguồn gốc từ Trung Quốc thẩm lậu đã bị lực lượng này thu giữ từ cuối năm 2012. Theo lãnh đạo cơ quan chống buôn lậu của hải quan QN, mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường quyết liệt nhưng do lợi nhuận cao từ việc kinh doanh đồ chơi trẻ em, nên các đối tượng buôn lậu vẫn tìm mọi cách thẩm lậu hàng vào nội địa. Anh Công Thành - một “chuyên gia” đánh hàng tại TP.Lạng Sơn - cho biết, giới buôn lớn thường nhập cả toa tàu từ Bằng Tường (Trung Quốc) vận chuyển về bán nội địa.

    Trong những năm gần đây, các đồ chơi dành cho trẻ em xuất xứ từ nước ngoài chiếm lĩnh thị trường khiến sản phẩm hàng nội ngày càng bị teo tóp. Theo giới kinh doanh đồ chơi trẻ em, mặt hàng đồ chơi VN thua trên sân nhà, bởi đã từ nhiều năm qua vẫn chỉ có vài mặt hàng truyền thống, mẫu mã đơn điệu, thiếu hấp dẫn, giá cao hơn hàng Trung Quốc nên ít được người dân lựa chọn.

    Thế giới “cảnh giác” với đồ chơi Trung Quốc

    Theo nghiên cứu mới nhất của tổ chức Hòa bình Xanh và IPEN trong các chiến dịch chống lại nhiễm độc hóa chất, gần 1/3 số đồ chơi Trung Quốc- trong đó có những thương hiệu có uy tín- đều chứa kim loại nặng như arsenic, cadmium, thủy ngân, antimon hay chì. Các chất này có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho hệ thống thần kinh và miễn dịch của trẻ nhỏ.

    Tháng 12.2012, lực lượng bảo vệ biên giới và hải quan Mỹ ở bang California vừa tịch thu gần 36.000 món đồ chơi vịt caosu xuất xứ từ Trung Quốc, do chứa hóa chất phthalates quá mức cho phép (luật Mỹ quy định đồ chơi trẻ em không được có quá 0,1% phthalates). Đây là chất độc có thể ảnh hưởng gan, thận, thậm chí dẫn đến ung thư. Chỉ trước đó 1 tháng, hải quan Pháp đã hủy 15.000 đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc, bao gồm thú nhồi bông, búpbê, bút laser, súng điện tử... chứa nồng độ phthalates cao gấp 130 lần giới hạn cho phép.

    Tháng 12.2012, Ủy ban Châu Âu - EC đã phát động chiến dịch chống đồ chơi giả, chủ yếu có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề này. Ông Antonio Tajani - Cao ủy phụ trách công nghiệp EU - cho biết, những đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc thực sự là nguy hiểm đối với trẻ em, bởi chúng chứa lượng kim loại và các chất độc hại rất cao.
    Theo Lao động
     

Chia sẻ trang này