Cuối cùng anh đã trở về, ngồi trong căn phòng ngổn ngang sách vở của mình. Những cuốn sách vô hồn như căn nhà bỏ hoang từ lâu, anh chỉ có dịp mở và đóng cửa trong những kỳ nghỉ – hè – một – tháng của gia đình vào mùa hè hàng năm. Những cuốn sách vô cảm, nằm im lìm (thoang thoảng chút mùi ẩm) chờ đợi những ngón tay của anh chọn ra từ giá sách, giở từng trang giấy, rề rà trên mỗi câu, để đám chữ nghĩa được lần mò tìm về lấp đầy những ngăn còn trống trong trái tim và đầu óc mỏi mệt của anh. Anh như một người cựu chiến binh vừa giã từ vũ khí, trở về “mái nhà xưa”.[TABLE="class: ImgBoxEmbeddedLeft, width: 0, align: left"] Minh hoạ của Nguyễn Ngọc Thuần Ảnh: [/TABLE] Từ căn phòng đó, anh thường nhìn ra cửa sổ, mong thời gian đi chậm lại một chút (không cần ngừng hẳn), để anh có thể sống lại một phần nào những năm tháng đã mất, đã phung phí. Viễn cảnh mở ra từ cái khung cửa vuông vức đó thay đổi từng giờ, từng ngày, từng mùa. Có lúc đỏ ngầu giận dữ cùng mặt trời. Có lúc trắng loãng bàng bạc mây trôi. Có lúc xám xịt những cành cây khẳng khiu oằn oại trong mưa bão. Có lúc xanh mướt lá non chan hoà nắng sớm. Có lúc tuyết giăng mịt mờ phủ thảm không thấy bến bờ. Khi đêm xuống, xuyên qua khung kính dày cách âm, anh vẫn nghe được tiếng động cơ xe rì rầm và những chấm đỏ di chuyển chậm chạp từ những chiếc về muộn. Những hôm trời trong anh còn thấy được cả một mảnh trăng treo rỡ ràng lừng lững giữa trời; nhưng cảnh trời sao lồng lộng vùng nhiệt đới (để mơ tưởng hão huyền) thì rất hiếm hoi.Anh tự ví cuộc đời mình cũng tương tự như những cảnh vật thay đổi bên ngoài khung cửa sổ ấy. Trước khi những ngôi nhà mới mọc lên, thu nhỏ lại khoảng không gian xanh mướt cỏ cây ở phía bên kia con rạch, anh đã nhiều lần ngồi ngắm hàng giờ những con bò và ngựa nhàn tản gặm cỏ trên cánh đồng được chăm bón kỹ lưỡng như một khu nghỉ dưỡng dành cho người già. Những người đến đây cư ngụ trước anh kể đã từng thấy những đàn sơn dương nhởn nhơ trong những cánh rừng nhỏ cạnh khu nhà anh đang ở hiện nay. Trong gần ba mươi năm ở đó, anh đã trải qua đầy đủ quá khứ, hít thở hiện tại và đang mon men làm quen với tương lai, nhưng tuyệt nhiên anh chưa bao giờ có được cảm giác mình là một phần hoà chung vào cái tổng thể bao quanh mình. Anh chỉ ngồi, nhìn và suy tưởng (có lúc tập tành thiền định). Thời gian trôi qua, anh vẫn là một vật tách biệt, như con bò vàng lẻ loi giữa bầy đàn đồng chủng màu trắng xen những mảng đen. Như một cái cây đang tăng trưởng, bỗng dưng bị bứng toàn gốc, dời đến một nơi xa xăm, không được chọn lựa. Cái cây cũng như anh không còn có khả năng sinh quả ngọt, hoà quyện với hoa, lá, cảnh vật chung quanh. Sự hiện diện của anh thực sự không làm dao động hay thay đổi một điều gì nữa. Anh cũng chưa từng và sẽ không bao giờ có thể sở hữu cái gì xảy ra ngoài khung cửa sổ kia. Thật ra, anh chỉ còn sở hữu phần nào những ý tưởng (lúc nào cũng mơ hồ) và những nhịp đập (lúc nào cũng hối hả) của chính trái tim mình.Lần này trở về, có nhiều thời gian hơn, anh tự hứa sẽ đọc dần dần những cuốn sách đã nằm chờ anh trong hàng chục năm, như những con người sắp hết kiên nhẫn, và cũng có thể đang hấp hối. Trên giá sách đã có sẵn những cuốn sách chính bản của Miller, Hemingway, Faulkner, Steinbeck và những ấn bản mới của Murakami, Coelho và Larssen anh đã mua trong khi chờ đợi ở phi trường. Tất cả đều chờ anh mở ra, bồn chồn sốt ruột như một cô dâu mới trong đêm tân hôn, nhưng cuối cùng anh lại chọn một cách khác để giết thời gian. Anh đã vẽ như anh nghĩ và cảm nhận về đời mình, thể hiện qua những hình khối thô ráp, những đường gãy cụt ngủn và những mảng màu sáng tương phản, chói chang. Khi anh gửi những bức tranh đầu tiên của mình qua mạng cho bạn bè xem, có người đã liên tưởng tranh tài tử của anh với Jorn, Graham, Miro, Picasso, Matisse, và Klee. “Không”. Anh đùa. “I did it my way”, theo cách riêng của mình, như Frank Sinatra. Anh chỉ vẽ vời “cho vui thôi” (ha ha ha). Và ngồi cười một mình.Cũng trong thời gian này, anh may mắn tìm được một công việc ở một trường đại học thuộc một thành phố nằm vào phía cực Nam, trong một xẻo đất đâm sâu vào một nước láng giềng. Cuộc phỏng vấn bắt đầu và kết thúc chỉ trong vòng một phần tư giờ, trong một quán càphê giữa trung tâm mua sắm Hoog Catharijne ở Utrecht; quá ngắn để vợ và con dâu của anh kịp dạo qua hết quán xá và tiệm quần áo thời trang đang trong mùa đại hạ giá cuối mùa. Không ai tin được là anh lại bắt đầu làm việc vào đầu tháng sau đó.Sân ga này cũng sẽ là nơi trung chuyển, trên con đường dài xuống nơi làm việc mới mỗi tuần của anh. Buổi sáng đầu tiên anh hẹn con gái trên chuyến tàu mười – tám – phút, vào giờ cao điểm đầu tuần. Con gái anh sẽ lấy tàu từ sân ga gần nhà và anh sẽ từ một làng nhỏ khác, theo xe buýt, rồi đổi sang tàu sau đó ba phút, trên cùng lộ trình.Ở những chuyến tàu sớm, hầu hết hành khách đứng dồn lại gần cửa ra vào để có thể nhanh chóng xuống những trạm rải rác, dọc chặng đường tàu ngắn. Chiếc điện thoại di động (quà biếu sinh nhật đầu năm ngoái của vợ con, chứa đầy những điều diệu kỳ, nhưng anh chỉ có thể sử dụng rành rẽ hai chức năng nói và nghe) rung trong túi, khi tay anh chỉ vừa nắm được thanh kim loại an toàn bên cạnh cửa lên xuống, để giữ thân thể không ngã về phía trước. Tiếng con gái anh chập chờn trong nhịp chao đảo của những toa tàu: “Bố đang ở đâu?”Anh nhìn qua những chiếc đầu vàng hoe và nâu đậm còn thấm đẫm nước – vòi – hoa – sen vội vàng buổi sáng đầu tuần, tìm ký hiệu của toa tàu.– Đầu toa. Còn con?– Toa cuối. Bố đến được không? – Anh như nghe được tiếng thở dài của con gái ở đầu bên kia.Anh nhìn đồng hồ. Chỉ còn 14 phút. Di chuyển qua hơn mười toa, xuyên qua rừng người dày đặc này chắc chắn sẽ mất đi khoảng 10 phút nữa. Khi đến được toa cuối và gặp con gái, anh sẽ nói gì, làm gì trong 4 phút còn lại, trước khi chia tay con, rồi mỗi người sẽ tiếp tục cuộc hành trình đến nơi làm việc riêng rẽ. Con gái anh sẽ chuyển sang tàu tốc hành đi về phía tây (38 phút) và anh tiếp tục hướng đi về tận cùng miền Nam (2 giờ 31 phút).Khi anh len lỏi để đến được toa cuối cùng, tàu đã đi qua trạm sau cùng trước khi dừng lại ở ga cuối. Con gái anh đưa tay thu chiếc túi xách để dành chỗ cho anh nãy giờ, ôm vào lòng mình, người như chùng xuống vì sức nặng của cái túi nhỏ. Anh ngồi xuống, nhỏ nhẹ:– Con chỉ nên mang túi nặng 5 ký-lô thôi. Đừng mang nhiều đồ lặt vặt quá, xệ vai không tốt.Anh không biết tại sao anh nói như thế. Một tối nào đó anh đã tình cờ nghe trên tivi, trong chương trình của Dr. Oz là phụ nữ chỉ nên xách túi nặng tương ứng với mười phần trăm tổng sức cân của mình. Ở vào tuổi của mình, anh đã tin nhiều điều mình nghe và thấy. Nhưng nghĩ cho cùng, có lẽ anh không nên thuyết phục người khác (kể cả con anh) về những điều mình tin và đã nghe. Con gái anh không tỏ phản ứng nào. Anh và con vẫn ít lời với nhau. Có lần anh đã hối hả đạp xe ra trạm dừng xe buýt gần nhà để đón con gái về thăm vào cuối tuần trong một kỳ nghỉ giữa học kỳ. Anh luống cuống đến nỗi để xe lật nhào khi con gái vừa nhớm người ngồi lên yên sau và đã đổ ập trên người anh. May mắn là cả hai cha con không bị thương tật gì. Sau đó anh và con đã im lặng đi bên nhau về nhà. Bất chợt, con gái anh dừng lại, nhìn anh: “Tại sao bố khóc?” Anh không trả lời thẳng, nói lảng đi: “Con để túi xách để bố chở, cho bớt nặng”.Giản dị thế thôi. Anh chỉ muốn chia sẻ cái gánh nặng và khó khăn càng ngày càng gia tăng, đang đè nặng xuống hai vai của các con. Cuộc đời của vợ chồng anh tuy cũng có không ít đoạn gập ghềnh, khúc khuỷu, nhưng không mất viễn cảnh, xao xác và lạc lõng như thế hệ của các con anh. Nhưng ở vào tuổi của mình, anh vẫn không sở hữu được điều gì ngoài lòng thơ ngây và bồng bột miên viễn, để có thể chia sẻ với ai, nhất là vợ con anh, mặc dù anh thực sự mong muốn làm điều có vẻ tầm thường đó. Tất cả đã quá trễ tràng. Anh nhẹ nhàng đặt bàn tay mình trên tay con gái, như muốn che đi những đường gân xanh li ti nổi hằn trên nền da trắng căng màu sữa của một sản phụ trẻ. Anh lặng lẽ giữ tay con gái trong hai phút ngắn ngủi còn lại của chuyến tàu, như con gà mẹ ấp ủ chiếc trứng vừa sinh của mình. Thời gian đã không dừng, không chậm lại và cũng không chờ anh nữa.Đám đông bất chợt di chuyển dồn về hướng cửa toa. Con gái của anh vội vã đeo chiếc túi trên vai, nhắc anh: “Đến nơi rồi, bố!”Hai cha con cùng xuống tàu, nhưng đi về hai hướng khác nhau. Con gái anh theo đường hầm cuối sân ga, chuyển sang tàu mới đi về hướng tây trong vòng bốn phút. Anh đi dọc theo thân tàu đến đầu sân ga, lên thang cuốn, xuyên qua khu chờ đợi trung tâm của ga, rồi xuống cửa 14b đi về miền cực Nam. Anh còn phải đi tiếp một đoạn đường dài hơn 200 cây số nữa, nhưng dù sao anh cũng còn có tám phút để chuyển tàu. Anh tiếp tục đi, không vội vàng, không nghĩ ngợi gì cả.Ở đầu thang cuốn dẫn xuống sân chờ, anh chợt đứng khựng lại khi thấy con tàu dài đang nằm sẵn chờ khởi hành trên đường ray. Anh quay người, muốn chạy trở lại tìm con, nhưng không còn kịp nữa. Chuyến tàu 18 phút đã qua và những phút chuyển tàu ngắn ngủi cũng đã trôi qua. Cái gì đã qua thì không còn trở lại nữa. Anh bước vào khoang tàu, lựa một chiếc ghế trống cạnh cửa sổ, ngồi xuống. Đã đến lúc anh phải để cho con gái đi con đường của mình, dù con đường đó đi ngược và chệch lại hướng của anh.Bên ngoài cửa sổ, gió cuộn mưa tuyết bay ngược tung toé như những hoa lau trắng dọc theo thân tàu. Anh nghĩ đến con gái và mỉm cười. “Con gái quên chúc bố may mắn trong ngày làm việc đầu tiên rồi!”TRƯƠNG QUANG - BLARICUM (HÀ LAN) 2.2012[TABLE="width: 100%"] [TD="bgcolor: #E3EDF7"][TABLE="class: ImgBoxEmbeddedLeft, width: 0, align: left"] [/TABLE] Tác giả Trương Quang là giáo sư, tiến sĩ, giảng dạy về hành vi tổ chức và quản trị nguồn nhân lực tại trường quản lý Maastricht (MSM), Hà Lan. Ông từng làm việc và giảng dạy tại Việt Nam, Hà Lan, Pháp, Đức, Trung Đông, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, châu Phi và Nam Mỹ. Hiện đã nghỉ hưu, bên cạnh viết, biên tập những sách chuyên sâu trong chuyên môn của mình, ông đang là cây bút viết văn độc lập. Cuốn Mùa đông phương Tây – Nỗi lòng phương Đông của Trương Quang (NXB Văn hoá Văn nghệ – đại học Hoa Sen – Phương Nam Book) vừa ra mắt bạn đọc trong nước vào cuối năm qua.Một tâm thức Việt giữa một khung cảnh châu Âu, và như vậy chắc chắn là lạc lõng, bơ vơ, nhất là khi người đàn ông mang nặng tâm thức ấy tuổi đã về chiều. Ông ta chưa bao giờ là một phần hoà vào cái tổng thể bao quanh dù ông có tới 30 năm sống với nó, giữa nó, như thể ông bị đánh bẫy từ lâu, vì quá “thơ ngây và bồng bột”. Nói nôm na, ông là một kẻ trật khớp (a misfit), “một cái cây đang tăng trưởng, bỗng dưng bị bứng toàn gốc, dời đến một nơi xa xăm”.Truyện ngắn này nắm bắt khoảnh khắc – tâm thức ấy với đỉnh điểm là cuộc gặp gỡ ngắn ngủi 18 phút giữa nhân vật chính và con gái mình trên một chuyến tàu ở một thành phố châu Âu. Ông tưởng như đây là cơ hội cho mình: ông muốn thời gian ngừng trôi! Nhưng không, cô gái, theo quán tính lối sống của mình (và quán tính của chuyến tàu nhanh) đã từng phút, từng phút vuột khỏi bàn tay níu kéo của ông.Khoảnh khắc đó còn chứa đựng sự suy tưởng gấp gáp; và như thể là lần cuối có thể làm được, ông “mở rộng cái nhìn” để thu hút vào mình tất cả những gì thân thiết.MAI SƠN [/TD] [/TABLE]