Có một tấm lòng tình nguyện

Thảo luận trong 'CHUYỆN XÃ HỘI' bắt đầu bởi hoahuongduong, 23/7/13.

  1. hoahuongduong

    hoahuongduong
    Expand Collapse
    Administrator

    Tham gia:
    20/9/12
    Bài viết:
    2,085
    Thích đã nhận:
    18
    Money:
    0$
    20 năm TP.HCM có phong trào tình nguyện, nhưng người thầy ấy đã “đi chiến dịch” từ năm 1989 khi còn là sinh viên ĐH Bách khoa TP.HCM.

    Con số những người gắn bó với các hoạt động tình nguyện từ thời sinh viên cho đến lúc là giảng viên ở TP không nhiều, nhưng ông lại là một trong số ít đó. Ông chính là “thầy già” Võ Tấn Thông - cách mà nhiều thế hệ đàn em thân thiết gọi vị trưởng phòng công tác chính trị sinh viên ĐH Bách khoa TP.HCM hiện nay.

    [​IMG]
    Thạc sĩ Võ Tấn Thông (thứ ba từ trái) hướng dẫn chiến sĩ vận hành máy trộn bêtông
    trên công trình làm đường tại Càng Long (Trà Vinh) trong Mùa hè xanh 2013​

    Bén duyên tình nguyện

    Ông vẫn nhớ như in lần đầu tiên đi chiến dịch. Đó là khi chuẩn bị kết thúc đợt “công tác hè” của 30 giáo sinh ĐH Sư phạm năm 1989. Theo lời rủ rê của ông Huỳnh Công Ba (khi đó phụ trách chương trình “công tác hè” của ĐH Sư phạm), ông xin phép nhà trường rồi dẫn quân đi Củ Chi diễn văn nghệ cùng với ĐH Sư phạm. Vậy là bén duyên với hoạt động tình nguyện từ đó.

    Mấy năm sau, anh em hoạt động Đoàn, Hội vài trường của TP ngồi lại với nhau bàn chuyện phối hợp đi ngoại thành hoạt động hè. Sau khi đã thống nhất, anh em ôm thùng ra chợ An Đông quyên góp. “Chắc mấy chị tiểu thương thấy mặt sinh viên, cán bộ Đoàn - Hội cũng hiền nên nhiệt tình ủng hộ. Số tiền thu được dùng mua thuốc cho ĐH Y dược khám bệnh, còn sinh viên sư phạm, bách khoa chủ yếu dạy học” - ông Thông nhớ. Sau đó mọi người còn rủ thêm sinh viên nông lâm cùng tham gia tư vấn nông nghiệp cho bà con nữa.

    Trong vô vàn ký ức của hơn 20 năm đi tình nguyện, ông chưa quên lần đầu tiên về tham gia xóa mù chữ tại Hóc Môn (TP.HCM). Chân ướt chân ráo về địa bàn, chiến sĩ còn chưa quen đường bỗng nghe tiếng la phát ra từ một ngôi nhà giữa bao la cánh đồng nước. Đến nơi mới biết có một chị đang chuyển dạ mà chồng lại đi vắng. Chẳng kịp tính toán, cả nhóm nháo nhào chạy đến nhà dân gần đó mượn được chiếc võng và khúc cây. Cứ vậy, cả nhóm gần chục chiến sĩ thay nhau gánh võng vượt cánh đồng nước đưa chị đến trạm xá. May mắn chị vượt cạn thành công, mẹ tròn con vuông.

    Đó cũng là “chiến công” đầu tiên của dân Bách khoa ngay trong lần đầu đi chiến dịch tình nguyện. Những năm sau đó, dấu chân sinh viên ĐH Bách khoa có mặt ở hầu hết các huyện ngoại thành của TP. Cùng với nhiệm vụ chung của TP, lúc ấy các bạn tham gia xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học cho bà con là chính. “Nhưng cũng tranh thủ đắp đường, ra đồng với bà con, ban ngày giúp sửa nhà cho những gia đình nhà cửa cũ quá, dột nát, ban đêm lại lên lớp dạy học” - ông Thông kể.

    20 năm và hơn thế nữa

    Mới đó mà đã hơn 20 năm ông ngược xuôi trên khắp các mặt trận. Sau ba năm chiến dịch cấp thành mang tên “Ánh sáng văn hóa hè”, mùa hè năm 1997 được chính thức đổi tên thành Mùa hè xanh. Sinh viên trường ông vẫn về Củ Chi liên tục mấy năm liền, cũng làm được kha khá nhà cho dân ngoài chuyện dạy học.

    Từ năm 2001, dân Bách khoa bắt đầu đi tỉnh và địa bàn đầu tiên là huyện Giồng Trôm (Bến Tre). Làm gì thì làm nhưng cứ hè là ông để mấy mẹ con ở nhà tự lo cho nhau, còn ông lại vác balô đi nằm vùng một tháng cùng chiến sĩ của mình. Đến huyện nào trường ông cũng rải quân khắp các xã và nhiều năm qua vẫn thực hiện “phương thức 3 năm”. Tức mỗi địa bàn trường sẽ đóng quân ba năm liên tục, mà theo lý giải của ông là “chiến sĩ quen địa bàn và ít ra cũng phải để lại cái gì đó cho bà con sau mỗi mùa chiến dịch”.

    Nhờ “để lại cái gì đó” mà các địa bàn Giồng Trôm, Thạnh Phú, Ba Tri (Bến Tre), Tiểu Cần, Cầu Kè (Trà Vinh) và Tháp Mười (Đồng Tháp) có thêm nhiều công trình mới. Đó là hàng chục ngàn mét đường bêtông liên ấp, cả trăm cây cầu bắc qua kênh, là những mái nhà tình thương, công trình lọc nước sạch để lại sau khi chiến sĩ rút quân. “Công việc ở trường cũng không ít, nhưng bỏ chiến sĩ ở địa bàn mình có về TP cũng không yên tâm làm việc được nên đã đi là phải ở đến cuối chiến dịch mới về” - ông bộc bạch.

    Để đạt hiệu quả thiết thực, chiến sĩ Bách khoa phải qua tuyển chọn, sàng lọc khá gắt trước khi vào mặt trận. Nên đã là chiến sĩ Bách khoa thì bất kể khoa nào cũng phải biết làm cầu, làm đường, xây nhà vì những công trình ấy đã trở thành truyền thống, là thương hiệu riêng có của Mùa hè xanh ĐH Bách khoa.

    Chưa kể với những cán bộ trẻ mới ở lại trường công tác, mỗi người phải có ít nhất hai năm trực tiếp xuống mặt trận trong vai trò giám sát. Tiếng là giám sát chứ họ cũng phải cùng ăn, cùng ở và cùng làm như bất kỳ chiến sĩ Mùa hè xanh nào của trường. Ông quan niệm đó cũng là cách rèn luyện cán bộ trẻ, như hoạt động tình nguyện đã trở thành một yêu cầu không thể thiếu trong tổng thể quá trình đào tạo, rèn luyện của sinh viên ĐH Bách khoa từ đề xuất của ông.

    Kỷ luật thép

    Miệt mài “chinh chiến” từ Ánh sáng văn hóa hè đến Mùa hè xanh, từ vai trò chiến sĩ đến ban chỉ huy và nhiều năm qua thạc sĩ Võ Tấn Thông trong vị trí thường trực ban chỉ đạo cấp trường. Nhiều thế hệ chiến sĩ Bách khoa không thể quên ông vì tính kỷ luật thép trong công việc.

    Hồi Mùa hè xanh 2003 ở Giồng Trôm (Bến Tre), sau khi trực tiếp làm việc, đích thân ông đã đuổi thẳng một cán bộ trẻ rời mặt trận về TP kèm quyết định kỷ luật báo cáo về trường vì anh này có hành động, lời nói không đúng mực. “Thầy nghiêm lắm, nhưng nhờ vậy mà trong sinh hoạt hằng ngày hay làm việc chiến sĩ có tinh thần kỷ luật cao, hiệu quả công việc cũng nhờ đó mà tăng lên” - chiến sĩ Mùa hè xanh 2013 Trần Thị Thanh Nguyệt, khoa kỹ thuật xây dựng, chia sẻ.

    Theo Tuổi trẻ
     
    #1 hoahuongduong, 23/7/13
    Chỉnh sửa lần cuối: 11/9/15

Chia sẻ trang này