Tự xây “ốc đảo” trong nhà

Thảo luận trong 'ĐỜI SỐNG TRẺ' bắt đầu bởi hoahuongduong, 24/7/13.

  1. hoahuongduong

    hoahuongduong
    Expand Collapse
    Administrator

    Tham gia:
    20/9/12
    Bài viết:
    2,085
    Thích đã nhận:
    18
    Money:
    0$
    [​IMG]

    Đang có một bộ phận bạn trẻ thích chôn chân trong chính căn nhà của mình, hững hờ với hầu hết hoạt động của gia đình và ngoài xã hội.

    “Từ đầu hè tới giờ, mỗi tuần tôi chỉ bước ra đường vài lần. Đó là điều chưa từng xảy ra với bản thân trước đây” - Nam Anh (19 tuổi, sinh viên) chia sẻ.

    Khi “cả thế giới” được gói gọn... trong phòng!

    Nhà khá giả, Nam Anh được bố mẹ chu cấp mọi tiện nghi theo yêu cầu như iPad, laptop, máy chơi game... sau khi đậu đại học. “Nếu như ngày xưa chỉ được online, chơi game 1-2 giờ mỗi ngày thì nay bố mẹ để tôi tự do quản lý bản thân, miễn đảm bảo kết quả học tập tốt” - Nam Anh giải thích về việc nick của mình trên mạng luôn sáng đèn chỉ trừ lúc đi ngủ hoặc đi học. Ngoài thời gian chơi game, xem phim online, bạn cũng tranh thủ học và chơi thể thao... online! “Hiện có rất nhiều trang web dạy thể thao, tiếng Anh, các kỹ năng mềm rất hay trên mạng. Học ở đó vừa cập nhật được nhiều kiến thức phong phú vừa không phải tốn tiền” - Nam Anh cho biết. Ngoài ra, Nam Anh cũng tham gia rất tích cực vào các diễn đàn trên mạng, bởi: “Tôi rất ngại tranh luận ở bên ngoài nhưng trên mạng thì chẳng ai biết ai nên thích lắm, mình nói nhăng nói cuội gì cũng được”.

    Tương tự, Hồng Lê (24 tuổi, nhân viên một công ty du lịch ở Q.7, TP.HCM) cũng khiến nhiều bạn bè ngán ngẩm vì thói quen lạm dụng công nghệ. Bên cạnh việc nghiện chat, đọc sách online, cập nhật tâm trạng trên Facebook hằng giờ... Hồng Lê còn đơn giản hóa các hoạt động hằng ngày thông qua công nghệ. “Muốn ăn uống hay shopping gì tôi đều đặt dịch vụ mang tới tận nơi. Rất tiện lợi. Ra đường bây giờ vừa bụi bặm, mưa gió thất thường mà còn nguy hiểm... trong khi chỉ vài cú nhấp chuột trong phòng thứ gì cũng có” - cô bạn giải thích về việc thường xuyên vắng mặt ở các buổi vui chơi, ăn uống cùng bạn bè, đồng nghiệp.

    Khác với hai trường hợp trên, Vũ Nguyên (26 tuổi, chuyên viên tài chính) cho biết bạn chọn giải quyết công việc lẫn giải trí, tình cảm chủ yếu thông qua công nghệ vì quỹ thời gian eo hẹp. “Ngay cả việc hỏi thăm người nhà hay người yêu, tôi đều dùng Skype, Yahoo!Messenger, Viber... thay vì gặp trực tiếp. Tôi và bạn gái thường chỉ gặp nhau vào cuối tuần vì cả hai đều bận rộn” - Vũ Nguyên nói.

    Giật mình phút nhìn lại...

    Sinh nhật lần thứ 24, Hồng Lê không giấu được sự hụt hẫng khi tất cả lời chúc cô bạn nhận được đều đến dưới dạng tin nhắn từ Facebook. “Tôi chẳng nhận được cú điện thoại chúc mừng nào cả, lời chúc ngoài đời thật lại càng không. Tôi thậm chí chẳng biết ngỏ lời mời đồng nghiệp chia vui ra sao khi trước giờ ít hòa đồng cùng họ” - cô bạn nhớ lại. Đồng cảnh ngộ, Vũ Nguyên và Nam Anh cho biết bản thân cảm thấy rất gượng gạo mỗi khi phải dùng bữa cùng bạn bè, người thân trong gia đình. “Tôi thấy thiếu tự tin, chai sạn cảm xúc khi trò chuyện cùng mọi người. Đôi khi bất chợt tôi cảm thấy cuộc sống thật vô vị, một ngày trôi qua quá dài...” - Nam Anh nói về những lần ngồi thừ người trong phòng mà không rõ vì sao.

    ThS xã hội học Trần Thị Ngọc Nhờ (giảng viên ĐH KHXH&NV TP.HCM) cho rằng việc công nghệ hiện chi phối mạnh mẽ thế giới quan, nhân sinh quan của giới trẻ không còn là điều mới mẻ bởi đã được rất nhiều hội thảo, công trình nghiên cứu khoa học đề cập. Tuy nhiên, theo ThS Nhờ, hiện tượng này ngày càng trở nên nghiêm trọng khi người trẻ dần rơi vào trạng thái “nghiện” công nghệ, bởi điều đó dẫn đến nhiều hệ lụy.

    “Dưới góc độ xã hội học, nghiện công nghệ và thiếu giao tiếp xã hội sẽ dẫn đến hạn chế kỹ năng mềm mà trong đó quan trọng nhất là kỹ năng giao tiếp, nhiều trường hợp còn dẫn đến trầm cảm. Các nhà nghiên cứu về xã hội học đô thị còn chỉ ra rằng lối sống đô thị dưới tác động của dịch vụ, chuyên môn hóa cao làm cho con người dần trở nên lãnh đạm, lạnh lùng, vô cảm với nhau hơn” - bà phân tích. Bên cạnh đó, ThS Nhờ cho biết dưới góc độ tâm lý thì EQ (chỉ số xúc cảm) cũng sẽ bị giảm ở những người ít có nhu cầu giao tiếp xã hội. Một số trường hợp sa vào những hành vi không kiểm soát được như ảo tưởng, hoang tưởng hoặc có hành vi lệch lạc nghiêm trọng...

    Còn với ThS tâm lý học Nguyễn Hữu Long (giảng viên Trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM), người trẻ sẽ gặp nhiều bất lợi đáng kể khi để công nghệ chi phối quá nhiều cuộc sống của mình. “Ngoài việc sức khỏe chắc chắn bị ảnh hưởng thì họ bị mất mối quan hệ xã hội, giảm kỹ năng phát triển ngôn ngữ... Điều đó giải thích vì sao các bạn trẻ trên thường vấp phải cảm giác chán nản, khó khăn trong giao tiếp. Chưa kể việc bắt não bộ làm việc trong thời gian dài sẽ tạo cảm giác ức chế, mệt mỏi dẫn đến tâm lý dễ cáu gắt, nóng giận, dễ gây xung đột” - ThS Long cho biết.

    Để giải quyết vấn đề trên, ThS Long cho rằng người trong cuộc cần phải có quyết tâm và sự kiên trì. “Hãy tìm một hoạt động yêu thích để làm, chẳng hạn như chơi một môn thể thao hoặc tăng cường thời gian trò chuyện ngoài đời với người thân, bạn bè... Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là bạn cần có sự sát cánh, hỗ trợ từ người thân” - ông giải thích.

    ThS Nhờ cho rằng gia đình đóng vai trò mấu chốt trong việc giải thoát những người trẻ trên khỏi những “ốc đảo” tự xây trong chính ngôi nhà của mình. Tuy nhiên bà cũng cho rằng việc giới trẻ tự tạo những “ốc đảo” trên là tín hiệu để xã hội nhìn lại những bất ổn và có những điều chỉnh cần thiết. “Người ta thường chỉ quên thế giới thực để đắm chìm vào công nghệ khi thế giới thực không đủ sự hấp dẫn, ý nghĩa cần thiết” - ThS Nhờ đúc kết.

    Theo Tuổi trẻ
     
    #1 hoahuongduong, 24/7/13
    Chỉnh sửa lần cuối: 11/9/15

Chia sẻ trang này