(VTC News) - Là một trong những hoạt động thường niên, cứ cuối năm, chương trình từ thiện do Đoàn thanh niên và Công đoàn VTC - Intecom phát động lại lên đường đến những vùng miền khó khăn trên cả nước. Năm nay, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La là điểm đến của chúng tôi. Thương lắm hành trình đến lớp Đã khá lâu rồi tôi mới trở về đây, mọi thứ vừa lạ vừa thân quen. Chúng tôi được Ủy ban huyện giới thiệu đến thăm một vài trường bán trú và tiểu học nằm quanh thị trấn. Điểm xa nhất chỉ cách thị trấn có 10km. Theo lời giới thiệu của ông phó chủ tịch huyện, những trường học này tuy ở gần trung tâm nhưng hoàn cảnh của các em học sinh bán trú vô cùng khó khăn và cần được giúp đỡ. Và quả thật, khi đến nơi rồi, tất cả chúng tôi đều không tin được vào mắt mình khi ở thời đại này vẫn có những nơi trẻ em sống thiếu thốn, nghèo nàn và lạc hậu nhường này. Một cảm giác xót xa xâm chiếm lấy tôi. Buổi chiều, chúng tôi lên đường đến điểm đầu tiên. Nhìn thấy chiếc ô tô của chúng tôi đi qua cổng, lũ trẻ hiếu kỳ nhao nhao ùa ra vây kín. Giữa giá rét tháng 12 của miền rừng núi, thế nhưng đứa nào cũng một manh áo mỏng, xộc xệch, không mũ mão, không manh áo ấm, không đi tất. Đó là những hình ảnh đầu tiên khi chúng tôi đặt chân đến trường bán trú xã Mường Thải, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Khoảng 3 giờ chiều, trời có nắng nhưng vẫn lạnh se sắt, bọn trẻ mặt mũi bẩn thỉu, nhem nhuốc mũi dãi như thể lâu lắm rồi không được rửa mặt. Có một vài đứa bị đau mắt, cứ dùng ngón tay cáu bẩn để dụi. Các em đang chạy nhảy trên sân đất bụi mù, trước một dãy nhà cấp bốn xiêu vẹo như sắp đổ. Tất cả đều ngăn ngắt một màu xám ảm đạm. Có khoảng 6 phòng trong dãy nhà cấp 4. Một phòng 3 chiếc giường tầng. Cứ 2 em ngủ trên một chiếc giường. Nhìn những chiếc giường này, có lẽ ai cũng phải rùng mình tự hỏi, không hiểu làm sao các em có thể ngủ được qua mùa đông này trên miếng ván gỗ trống trơn, không chiếu, chỉ có một manh chăn mỏng. Một vài chiếc giường có chiếu, nhưng manh chiếu nát bươm. Lại có giường chẳng thấy miếng ván gỗ đâu, chỉ trơ trọi cái khung sắt. Mái nhà có chỗ thủng một lỗ, nắng chiếu xiên qua thành một hình tròn trên nền nhà bẩn thỉu, cửa sổ và cửa chính cái thì còn, cái mất. Đêm về gió thốc vào lạnh buốt, bọn trẻ lại khệ nệ bê cửa đặt lên che chắn tạm bợ, chẳng biết nó đổ lúc nào. Trên nền đất, mấy chiếc nồi nhọ đen lăn lóc buồn thiu. Hỏi chuyện cô bé Giàng Thị Cu, dân tộc H’Mông ở bản Giáp Đất em bảo bữa cơm của bọn em chỉ có nồi cơm đó, chan với nước lã. Thỉnh thoảng, có thêm bát canh rau cải. Bữa nào thịnh soạn hơn, có một con cá khô. Các em thậm chí còn không có thìa, có bát, có đứa cứ dùng tay bốc cơm ăn. Anh bảo vệ chỉ cho chúng tôi “bếp” của các em. Trông nó giống một cái nhà siêu mỏng bỏ hoang, bên trên mối mọt đã xông. Bước vào cứ rờn rợn, chỉ sợ nó đổ. Bên trong tuyệt nhiên chẳng có gì ngoài mấy viên gạch kê làm kiềng bếp, những que củi cháy dở và tro tàn. Ở trường tiểu học bán trú Mường Thải, có khoảng hơn 80 em học sinh dân tộc Mán, Dao, H’Mông. Ở đây, có những em mới 6 tuổi học lớp 1 đã đi bộ hơn 7 cây số để tới trường. Cuối tuần các em lại đi bộ về nhà. Chủ nhật mẹ cho ít gạo ít củi, tấm lưng nhỏ bé của các em lại gùi đồ tiếp tế quay về trường ăn cả tuần. Thương nhất là có những em còn quá bé bỏng, nếu ở nhà chắc mẹ còn phải rửa mặt cho thì ở đây, các em phải làm tất cả mọi thứ, từ vệ sinh cá nhân cho đến nấu cơm ăn. Thầy hiệu trưởng chia sẻ, khi mới đến đây, các thầy cô phụ trách còn phải hướng dẫn các em từng thứ một, từ nấu cơm ra sao cho đến vệ sinh thế nào. Có em lần đầu nấu cơm cho gạo vào đầy nồi, đến khi cơm nửa chín nửa sống, chỉ còn lại một bát ăn được. Nhiều em, đến giữa tuần hết gạo, thầy cô lại phải góp gạo cho em ăn đến cuối tuần. Khi tôi hỏi một cậu bé người Dao năm nay 8 tuổi là em muốn có gì nhất, em bẽn lẽn trả lời “canh”. Điều ước của em chỉ đơn giản vậy thôi, có canh rau, bữa cơm của các em đã được tạm gọi là “thịnh soạn”. Bởi hàng ngày, các em chỉ có cơm chan nước lã, hoặc ăn với muối, hoặc gừng rang khô để ăn dần. Nhìn những gương mặt còn ngây thơ, non nớt, bé bỏng của các em , chị Nhung - trong đoàn từ thiện của chúng tôi xót xa thốt lên: “so với bọn trẻ ở đây, con mình không khác gì một ông vua”. Gửi nắng cho em Ở các trường bán trú ở vùng cao, vận động được các em đến trường và không bỏ học đã là thành công rồi. Bởi khi đi học, các em phải chấp nhận xa bố mẹ và bắt đầu cuộc sống tập thể. Đói không có mẹ. Rét không có mẹ. Ốm không có mẹ. Khi trời tối, chúng tôi mới đến được trường tiểu học Huy Tường, xã Huy Tường, nhìn một em nhỏ ốm nằm co ro trên giường chúng tôi mới hiểu một điều rằng, để có được cái chữ, các em cũng phải hy sinh rất nhiều thứ, trong đó có sự bao bọc, chở che của bố mẹ. Nhìn em, tôi thấy thắt lòng. Nhưng ở đây, khi mọi thứ đều khó khăn, các em buộc phải đánh đổi tất cả những sự chăm sóc ấy để lấy cái chữ. Chỉ có cái chữ mới mang lại tia sáng cho cuộc sống các em sau này. Cũng như Mường Thải, Huy Tường có khu nhà ở cho các học sinh trường bán trú nằm cách thị trấn vài cây số. Mặc dù ở đây, chỗ ở của các em gọn gàng hơn, nhưng các em phải ở chung một phòng lớn, nam một phòng, nữ một phòng. Giường là tấm gỗ lớn ghép lại với nhau. Chăn, chiếu, màn đều do thầy cô góp tiền mua cho các em nhưng chúng cứ rách dần, mòn dần. Muốn ấm, các em cứ phải nằm sát vào nhau cho vừa chiếc chăn mỏng. Trời rét như thế nhưng các em phải vệ sinh cá nhân bằng nước lạnh. Khi chúng tôi ngồi chơi, một bé gái hai má đỏ hồng, hai tay ôm lấy ngực vừa run run vừa cười khoe cháu đi tắm về. Lại có bé Khánh, 6 tuổi, dân tộc H’Mông, mắt to tròn xoe víu lấy tay các chị đứng nhìn trông rất đáng yêu. Tôi đến gần hỏi em, các anh chị nhắc gì em trả lời nấy, chỉ khi hỏi con có nhớ mẹ không, thì Khánh tự trả lời rất nhanh “có”. Chỉ vậy thôi nhưng tôi thấy nhói đau. Bằng tuổi em, trẻ em ở thành phố vẫn còn ngồi trong lòng mẹ, được mẹ yêu thương, chiều chuộng, chăm sóc từng chút một còn Khánh thì đã phải học cách tự lập rồi. Ông Cầm Văn Thạnh, Phó phòng Giáo dục huyện Phù Yên cho chúng tôi hay, mặc dù nằm ở ngay sát thị trấn nhưng những trường tiểu học, trường bán trú này đều nằm trong những xã, bản thuộc diện nghèo nhất huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Các khu dành cho học sinh bán trú đều được tận dụng từ các lớp học, nhà cũ. Chẳng hạn ở trường tiểu học Huy Thượng, nhà bán trú của các em là nhà vách đất đã xiêu vẹo, ẩm thấp, tạm bợ từ năm 90. Ở đây, các thầy cô giáo cũng phải thường xuyên thăm nom, hướng dẫn các em nhưng vì học sinh quá đông, nên dù cố gắng cũng không thể quan tâm hết. Chỉ riêng việc lên đến bản, vận động bố mẹ cho các em đi học và không bỏ giữa chừng đã là một sự nỗ lực tuyệt vời rồi. Ở trường THCS Huy Tân, có em học sinh 11 tuổi đã bỏ học về lấy vợ. Chị Liên, phó hiệu trưởng còn cho biết, trong lớp bán trú còn có em học sinh 18 tuổi, đã có vợ và 2 con, nhưng được thầy cô động viên nên vẫn tiếp tục đến trường học. Mặc dù được hưởng chính sách hỗ trợ đối với học sinh bán trú vùng khó khăn nhưng thực tế ở những vùng cao thuộc diện nghèo nhất nước này, những khoản hỗ trợ đó dường như chưa đủ. Ở một vài trường, chẳng hạn như trường THCS Huy Tân, thầy cô cũng giúp các em làm một mảnh vườn nhỏ để tăng gia, trồng rau nhưng không phải trường nào cũng làm được như vậy khi học sinh quá đông và còn quá bé bỏng. Trong hai ngày, đi tới 4 trường tiểu học, trung học, và bán trú, chúng tôi chỉ có thể tặng cho các em những nhu yếu phẩm cơ bản nhất như, những gói mỳ tôm, những chiếc chăn ấm, chiếc chiếu lành, sách vở, những đôi tất, những chiếc thìa, chiếc bát… Vẫn biết rằng, những món quà đó vẫn quá ít so với những gì các em đang thiếu, đang cần. Chúng tôi cứ ước, giá như có những trường học ở tận bản cho các em, để các em vừa được đến trường vừa được ở bên cạnh mẹ. Giá như, chúng tôi có thể cho các em một chỗ ở mới, một chiếc giường có nệm ấm chăn êm như con cái chúng tôi ở nhà. Giá như… Nhưng rồi, ai cũng biết cũng hiểu, điều đó là chưa thể. Tất cả những gì chúng tôi có thể làm lúc này chỉ đơn giản là góp phần mang lại một cái tết đầm ấm tình yêu thương hơn cho các em. Và đó là lý do mà ai trong chúng tôi cũng day dứt tự nhủ, sẽ còn quay trở lại đây. Tuấn Minh